Mỗi lãnh đạo là một nghệ sĩ. Vậy nghệ thuật lãnh đạo là gì? Những đặc tính phân biệt những nghệ sĩ tài ba với những người tầm thường cũng giúp phân biệt những nhà lãnh đạo kiệt xuất với những đồng sự không có gì là nổi bật. Những nhà lãnh đạo và những nghệ sĩ giỏi giúp ta nhận thức được hoàn cảnh xã hội của mình (cho dù là tốt hay xấu) và biết trân trọng thế giới, bản thân cũng như lựa chọn của chúng ta. Hơn thế nữa, họ còn biết thách thức, khuấy động, an ủi và động viên. Họ khiến chúng ta xích lại gần nhau hơn thông qua các diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm và xây dựng ý thức cộng đồng. Năng lực lãnh đạo và nghệ thuật đều cổ vũ cho giao tiếp xã hội. Chúng có thể thay đổi cuộc sống của chúng ta một cách thực thụ và sống động chẳng khác gì những đợt sóng biển dạt dào.
Trong khi người ta có thể không nhất trí về phẩm chất của một tác phẩm nghệ thuật, chúng ta thường biết cách truyền đạt những kinh nghiệm ta đã trải qua. Và những tiêu chí quy định cách phản ứng trước các tác phẩm nghệ thuật cũng được áp dụng cho dạng nghệ thuật này, nghệ thuật lãnh đạo. Chẳng hạn, xét về mặt tích cực, tài lãnh đạo có thể được mô tả là truyền cảm hứng, nhất quán, sáng tạo, độc đáo, đầy đam mê và cuốn hút. Ngược lại, lãnh đạo cũng có thể bị cho là khó chịu, giả dối, vô lý, mất tập trung và tẻ nhạt. Những ngôn từ đánh giá như vậy được dùng làm cơ sở cho sự nhất trí về những đức tính tạo nên sự vĩ đại.
Vì thế cho phép tôi đưa ra 12 tiêu chí nghệ thuật để đánh giá tài năng của những nhà lãnh đạo. Để đánh giá tài lãnh đạo của họ, ta nên chất vấn …
1. Ý định. Họ có công khai cam kết đạt những kết quả vượt bậc hay không?
2. Sự tập trung. Họ có nêu bật các đặc điểm của môi trường kinh doanh để phân biệt điều quan trọng với điều nhỏ nhặt không?
3. Kỹ năng. Họ có thể hiện sự điêu luyện hoặc nắm vững các khía cạnh quan trọng trong kinh doanh; họ có hiểu thấu đáo con người, tổ chức và cách thức hoàn thành công việc không?
4. Hình thức. Họ có kết nối giao tiếp, cấu trúc, chính sách, vv thành một thể thống nhất và mạch lạc không?
5. Truyền đạt. Họ có chuyển tải thông tin một cách khôn khéo và cuốn hút thay vì chỉ đưa ra những mệnh lệnh đơn giản và thông báo tin tức một cách thẳng thừng?
6. Óc tưởng tượng. Họ có khởi phát những điều khác lạ và bất ngờ từ những điều bình thường khiến tạo nên sự nhận thức hoặc hiểu biết mới mẻ không?
7. Tính xác thật. Họ có thể hiện một phong cách độc đáo để chứng minh một cách trung thực cho cá tính và đức tin của mình không?
8. Sự lôi cuốn. Họ có đưa ra những thông tin phức tạp và đầy thách thức làm động lực thúc đẩy những nỗ lực trí tuệ và khả năng tưởng tượng không?
9. Niềm vui. Họ có chia sẻ những trải nghiệm quý báu với các thành viên trong nhóm, nhằm tăng cường mối quan hệ mật thiết và giúp mỗi cá nhân tự hoàn thiện mình?
10. Tầm quan trọng của con người. Họ có giúp các cá nhân tự suy nghĩ về bản thân, điều gì quan trọng nhất, giá trị văn hóa và những điều có thể?
11. Bối cảnh. Họ có thực hiện những hành động tương xứng với lề lối, thói quen, yêu cầu và tiêu chuẩn của tổ chức, và giao tiếp một cách dễ hiểu và phù hợp không?
12. Phê bình. Họ có cởi mở để người khác trao đổi và đánh giá về kết quả làm việc của họ cũng như không quan tâm đến số lượng những lời khen không?
Khó có thể thành công ở tất cả những tiêu chí này và thậm chí những nhà lãnh đạo giỏi nhất cũng không thể thực hiện những tiêu chí này thường xuyên. Tất cả các tiêu chí có sức mạnh riêng của mình và khác biệt nhau. Sự yếu kém trong lãnh đạo trở nên rõ ràng khi người ta giống như bức tranh biếm họa về lãnh đạo: khi họ chỉ có một vài tiêu chí trong tất cả những tiêu chí này. Chẳng hạn, có những người theo tuýp nhân đạo – không bao giờ quên ngày sinh nhật nào, luôn tài trợ cho những buổi tiệc tại nhà, luôn cố gắng biến nơi làm việc thành nơi vui vẻ và thú vị. Có những người theo trường phái truyền thống chỉ biết làm theo “sách” và không bao giờ chịu làm khác với những khuôn mẫu về cách ăn mặc, làm việc, nói năng của một doanh nhân. Có những nhà chuyên môn tài năng và quan liêu luôn quản lý những con số và giấy tờ, và luôn cố sắp đặt mọi hành vi của nhân viên thông qua những quy định, khoản phúc lợi, chính sách và cấu trúc tổ chức đã được lập trước và cứng nhắc. Có những người vô cùng giàu trí tưởng tượng nhưng lại thiếu định hướng và hay thay đổi luôn nhảy từ ý tưởng này sang sáng kiến khác, khiến cho nhân viên bị mụ mị đầu óc khi theo họ. Những nhà lãnh đạo tài ba phức tạp hơn vậy nhiều.
Khái niệm kết quả không có tên trong danh sách các tiêu chí trên. Đúng, dù cho chúng ta mong đợi nhà lãnh đạo giỏi phải thắng đối thủ của mình và có một sản phẩm cụ thể để thể hiện nỗ lực của họ, quan điểm của tôi là chúng ta sẽ không đánh giá họ cao nếu quá trình của họ không mang lại chất lượng đo đếm được khiến bản thân họ và công việc của họ chiếm được sự ngưỡng mộ của chúng ta. Để thành công như một nghệ sĩ, nhà lãnh đạo phải điều khiển các hoạt động của công ty và tạo ra mối quan hệ với nhân viên theo cách khiến mọi người phải tôn trọng kỹ năng cần có. Có nghĩa là phải có bằng chứng rằng những kết quả đạt được là nhờ sức mạnh thật sự của nhà lãnh đạo.
12 tiêu chí tôi nêu ở đây giúp ta có thể phân biệt kẻ chuyên thắt lưng buộc bụng hà khắc trong vòng ba năm để tăng lợi nhuận với nhà lãnh đạo khôn ngoan và nghệ thuật tái cơ cấu công ty trong khi giảm thiểu những tác hai có thể xảy ra trong tương lai – và đồng thời kiếm tiền. Trong khi nhóm người đầu chỉ tạo nên mảnh đất hoang không được chăm sóc, phung phí năng lượng và nhiệt tình của nhân viên, thì những người thuộc nhóm sau, nhà lãnh đạo đúng nghĩa, hướng dẫn mọi người vượt qua thử nghiệm của một tổ chức gặp khó khăn trong khi thôi thúc sự đam mê và năng lực làm việc của họ.
Các nhà quản lý doanh nghiệp luôn lo lắng về kết quả – đặc biệt là những kết quả ngắn hạn. Điều quan trọng là chúng ta không đánh đồng khái niệm lãnh đạo giỏi với cái mà họ đạt được. Thị trường không quan tâm cách nhà lãnh đạo đạt kết quả miễn là kết quả có được một cách hợp pháp. Trong khi đó, kiếm tiền không đòi hỏi những kỹ năng giống như làm lãnh đạo. Có thể là một doanh nhân thành công, nhà tài chính xuất sắc và một nhà thương thảo tuyệt vời mà không phải là một lãnh đạo giỏi. Sự gán ghép giữa tài lãnh đạo và kết quả cuối cùng xem ra quá dễ dãi. Kiếm tiền không phải là nghệ thuật. Lãnh đạo một tổ chức mới chính là nghệ thuật.
Nguồn| talentmgt.com
Cung cấp bởi Le & Associates.