“Hãy là người lãnh đạo biết truyền cảm hứng.” Có thể trước đây bạn đã từng được nghe đến câu nói này, với một lý do tích cực. Khả năng truyền cảm hứng và thúc đẩy người khác là năng lực lãnh đạo số một giúp phân biệt các nhà lãnh đạo hiệu quả với lãnh đạo trung bình hoặc kém hiệu quả. Qua đó, có thể thấy rằng khả năng truyền cảm hứng của một nhà lãnh đạo là rất quan trọng. Vậy nếu nhân viên phải làm việc dưới sự quản lý của một nhà lãnh đạo không có khả năng truyền cảm hứng thì có xảy ra vấn đề gì không? Bài viết sau của L & A được lược dịch dựa trên nhưng phân tích của Joseph Folkman – nhà đồng sáng lập Zenger Folkman về nhà lãnh đạo biết truyền cảm hứng và nhà lãnh đạo không có khả năng truyền cảm hứng thông qua các kết quả khảo sát và thống kê của ông, sẽ giúp bạn tìm được đáp án cho câu trả lời trên.
Dựa vào những phản hồi 360° trên 50.000 nhà lãnh đạo mà Zenger Folkman – tổ chức chuyên tư vấn năng lực lãnh đạo, thu thập được từ gần nửa triệu đồng nghiệp của họ thì có thể khẳng định rằng khả năng truyền cảm hứng của nhà lãnh đạo là rất quan trọng. Tương tự, trong 16 năng lực lãnh đạo mà Zenger Folkman thường xuyên đánh giá nhất thì khả năng truyền cảm hứng mang lại kết quả nổi bật. Trong dữ liệu này, khả năng truyền cảm hứng sẽ khiến nhân viên tận tụy và cam kết hơn trong công việc. Một nhà lãnh đạo biết truyền cảm hứng cũng sẽ kiểm soát được mức độ gắn kết giữa các nhân viên trong công ty từ đó đưa ra giải pháp thích hợp cho từng trường hợp.
Đồng nghiệp của Joseph Folkman tại Zenger Folkman đã làm việc với các nhà lãnh đạo trong nhiều năm qua để cải thiện khả năng truyền cảm hứng của họ. Tuy nhiên, họ vẫn thường xuyên nghe được những bình luận như “Truyền cảm hứng không phải là phong cách của tôi,” “Tôi không muốn là một nhà lãnh đạo cổ vũ,” “Tôi không phải là nhà lãnh đạo kiểu đó.” từ các nhà lãnh đạo kia.
Sự thật là, có rất nhiều cách để các nhà lãnh đạo có thể truyền cảm hứng. Không cần thiết phải sử dụng một cách tiếp cận giống nhau dành cho nhiều người khác nhau. Tất cả chúng ta đều biết lý do tại sao các nhà lãnh đạo nên truyền cảm hứng nhiều hơn, nhưng tác động khi một nhà lãnh đạo không gây được cảm hứng là gì? Joseph Folkman đã định nghĩa một nhà lãnh đạo không truyền được cảm hứng là một người được các quản lý, đồng nghiệp, người báo cáo trực tiếp và những người khác đánh giá ở mức bằng hoặc thấp hơn phần trăm thứ 10 về khả năng truyền cảm hứng và thúc đẩy người khác.
Tác động mà nhà lãnh đạo không có khả năng truyền cảm hứng gây ra là gì?
Như đã thấy từ các số liệu thống kê ở trên, việc không truyền được cảm hứng không phải là một sự kiện trung tính. Các nhà lãnh đạo không truyền cảm hứng sẽ làm thiệt hại đến tổ chức. Họ phá hủy sự gắn kết và làm tăng tỉ lệ bỏ việc của các nhân viên báo cáo trực tiếp đến họ. Tuy nhiên, họ thậm chí còn gây thiệt hại nhiều hơn cho bản thân bằng cách bị đánh giá rất tiêu cực với tư cách là nhà lãnh đạo và gần như không có cơ hội được thăng chức hoặc được đánh giá cao về hiệu suất làm việc. Và cải thiện việc truyền cảm hứng sẽ thay đổi đáng kể một hoặc nhiều hơn những điều trong thống kê trên.
Sáu phương pháp đơn giản để các nhà lãnh đạo trở thành người giỏi truyền cảm hứng hơn
- Mang một thái độ tích cực trong công việc. Thái độ là điều dễ thấy và dễ ảnh hưởng đến mọi người xung quanh bạn. Làm việc với một thái độ tích cực và gắn kết với mọi người trong phòng ban sẽ tạo ra sự khác biệt đáng kể về cách nhìn của mọi người với bạn so với trước đây.
- Làm cho mọi tương tác tích cực nhất có thể. Nếu bạn mỉm cười và chào với đồng nghiệp khi gặp nhau ở sảnh hoặc trong thang máy thì đó là một sự tương tác tích cực. Còn nếu bạn phớt lờ họ, thì sự tương tác đó được đánh giá là trung tính hoặc tiêu cực. Hãy đặt mục tiêu tạo ra càng nhiều tương tác tích cực mỗi ngày càng tốt.
- Giao tiếp thường xuyên hơn. Giúp người khác hiểu rõ và có được những thông tin tốt sẽ giúp bạn có nhiều cảm hứng hơn. Khi phòng ban của bạn không biết các thông tin quan trọng, họ sẽ nản lòng và xem bạn là người không biết truyền cảm hứng.
- Tìm cách giúp những người báo cáo trực tiếp hoặc đồng nghiệp học hỏi và có được nhiều kỹ năng mới. Bất cứ ai cũng đều muốn ngày một giỏi hơn và học hỏi được nhiều kỹ năng mới. Hãy dành thời gian để hiểu những nguyện vọng của người khác và giúp họ phát triển các kỹ năng bổ trợ công việc sẽ khiến họ xem bạn là một người biết truyền cảm hứng.
- Hãy là một hình mẫu. Hãy chắc chắn rằng bạn nói được làm được. Đừng yêu cầu người khác làm bất cứ điều gì mà ngay cả bản thân bạn cũng không làm được.
- Tạo môi trường tích cực trong phòng ban của bạn. Hãy tạo ra một tập thể mà người khác muốn tham gia và là một phần của tập thể đó. Khi mâu thuẫn xảy ra, hãy làm việc chăm chỉ cùng nhau để giải quyết nhanh chóng những vấn đề đó. Không ai muốn là người trong một phòng ban nơi mọi người luôn đấu đá hoặc cạnh tranh quyết liệt với các thành viên khác trong đội cả. Do đó, hãy lập kế hoạch xây dựng đội ngũ và xây dựng tình đồng nghiệp lớn mạnh hơn.
Không phải mọi nhà lãnh đạo bẩm sinh đã là một nhà lãnh đạo truyền cảm hứng phi thường, nhưng mọi nhà lãnh đạo đều có thể học hỏi để trở nên giỏi truyền cảm hứng hơn. Bí quyết chính là sử dụng một phong cách mà bạn cảm thấy thoải mái và phù hợp với bạn nhất. Đừng từ bỏ hy vọng vào việc trở thành một người giỏi truyền cảm hứng bằng cách pha trộn sự hiểu biết của bản thân cùng những phản hồi tốt và một kế hoạch phát triển lâu dài. Bằng cách đó, những nhà lãnh đạo hoàn toàn có thể nâng cao được khả năng truyền cảm hứng của của bản thân mà không gặp phải bất kỳ khó khăn nào.
Theo Joseph Folkman