Xây dựng những mối quan hệ tốt với đồng nghiệp có thể khiến bạn hạnh phúc hơn và năng suất hơn trong công việc. Quan hệ tốt với các đồng nghiệp tạo ra hệ thống hỗ trợ mà bạn cần để làm tốt công việc của mình. Đây cũng chính là yếu tố chủ yếu tạo ra niềm vui trong công việc. Một cuộc thăm dò của Gallup cho thấy tình bạn công sở thân thiết thúc đẩy sự hài lòng của nhân viên tới 50%, và những nhân viên có bạn thân tại chỗ làm thường gắn kết với công việc hơn gấp bảy lần.
Đối với người làm nhân sự, xây dựng niềm tin với các đồng nghiệp ở các bộ phận khác có thể lại là thách thức. Việc phòng nhân sự được truy cập các thông tin cá nhân có thể khiến mọi người không thoải mái và khiến các nhân viên khác khó cởi mở với các nhân viên phòng nhân sự.
Ngoài ra, người làm nhân sự cũng phải lưu tâm về mức độ thân thiết với những nhân viên không cùng bộ phận. Các mối quan hệ của bạn với những người không thuộc phòng nhân sự thường bị “soi” qua một lăng kính khác. Nếu được xem là bạn của những người phòng ban khác, mọi người có thể cho rằng bạn đang thiên vị.
Tuy vậy vẫn có nhiều cách giúp người làm nhân sự có được tình bạn chân thành với đồng nghiệp.
Tìm bạn trong các đồng nghiệp cùng bộ phận nhân sự
Thông điệp đã rõ: Có bạn thân tại nơi làm việc là một yếu tố thay đổi cục diện. Theo khảo sát của Gallup, trong các nhân viên có bạn thân tại chỗ làm, 37% cảm thấy được ai đó khích lệ sự phát triển của họ, 27% cảm thấy sứ mệnh của công ty khiến công việc của họ trở nên quan trọng, và 21% nói họ có cơ hội làm những việc mà họ giỏi mỗi ngày.
Tuy nhiên, điều quan trọng là cần có chiến lược khi chọn bạn thân tại công sở. Nhiều chuyên gia cho rằng bạn thân của nhân viên nhân sự nên là một đồng nghiệp cùng bộ phận nhân sự. Vai trò của người làm nhân sự khá tách biệt nên có một người bạn đồng nghiệp thân thiết mà bạn có thể chia sẻ thông tin – đúng vậy, thông tin mà chỉ có HR biết sẽ là vô giá.
Hãy chủ động
Nhiều nhân viên thường chỉ tương tác với bộ phận nhân sự trong quá trình tuyển dụng hoặc khi gặp “vấn đề” trong công việc. Vì các lý do này, điều quan trọng là phải chủ động xây dựng các mối quan hệ mới. Bạn có thể bắt chuyện trong canteen công ty, trước cuộc họp, tại chỗ pha cà phê hoặc ngay cả trong thang máy. Và cần tránh mở đầu cuộc trò chuyện một cách chung chung như “cuối tuần rồi có gì vui không?” Những chủ đề an toàn thường khá nhàm chán.
Khi đã phá bỏ sự ngại ngùng, chia sẻ một chút thông tin về cuộc sống riêng sẽ tạo ra kết nối ý nghĩa hơn. Ví dụ: “Bạn đang có kế hoạch gì cho cuối tuần này? Mình thì định làm bánh bông lan trứng muối với chị gái.” Bạn cũng có thể nhắc tới những chủ đề giải trí, chẳng hạn như “Tôi đang đọc một quyển sách hay, không biết bạn đã đọc chưa,” hoặc hỏi về một bộ phim mới ra rạp.
Mẹo hay: Mọi người thường để lại nhiều thông tin về cá tính của họ thông qua cách trang trí văn phòng hoặc góc làm việc. Một cách để bắt chuyện với đồng nghiệp là hỏi về một món đồ trên bàn của họ. Ví dụ “Bức ảnh này đẹp quá. Nó được chụp ở đâu vậy?”
Tận dụng cơ hội tiệc tùng với đồng nghiệp
Cùng đi ăn uống với đồng nghiệp sau giờ làm việc là một cách tuyệt vời để làm quen với mọi người nếu bạn tiếp cận đúng cách. Một cách hay để khởi đầu là chứng tỏ bạn tham gia với tư cách là một đồng nghiệp hòa đồng hơn là một chuyên viên nhân sự mẫn cán. Điều này giúp mọi người thoải mái và sẵn sàng mở lòng với bạn hơn. Tại buổi tụ tập, đừng để mắc kẹt với một người mà hãy đi vòng quanh và cư xử như thể bạn là chủ tiệc. Trước khi rút lui khỏi câu chuyện, hãy hẹn hò cho lần gặp sau. “Rất vui làm quen với bạn. Tôi rất muốn nghe thêm về chuyến đi của bạn tới Ấn Độ. Hãy cùng đi ăn trưa vào thứ năm tuần sau nhé.” Đặc biệt cẩn thận với lượng cồn mà bạn uống, đồng nghiệp sẽ đánh giá tiêu cực nếu bạn say xỉn.
Tìm kiếm cơ hội kết nối mọi người
Ngoài các buổi tiệc công ty, hãy tham gia hoạt động tình nguyện với các đồng nghiệp, gia nhập đội thể thao của công ty hoặc các buổi họp mặt trong văn phòng. Hay hơn nữa là tự tổ chức hoạt động để bạn có thể gặp gỡ các đồng nghiệp trong một không gian thoải mái hơn, như là câu lạc bộ tiếng Anh, hoặc nhóm tập yoga bởi vì sở thích chung là điểm khởi đầu tự nhiên để xây dựng tình bạn.
Nếu bạn vừa bắt đầu một công việc mới, hãy tận dụng cơ hội đi vòng quanh văn phòng để giới thiệu bản thân tới từng người một. Một cách khác để gặp mọi người là tìm các trưởng nhóm và đề xuất được tham gia vào buổi họp nhóm tiếp theo. Tới ngày hôm đó bạn hãy đến sớm 10 phút để có thời gian chào hỏi và ghi nhớ tên.
Cư xử lịch thiệp như chúc mừng sinh nhật của đồng nghiệp có thể giúp bạn đi xa. Chào hỏi mọi người bằng tên là bước tiến chắc chắn đầu tiên trong việc thiết lập mối quan hệ và chứng tỏ thiện chí. Hoặc chúc mừng thành tích của đồng nghiệp ở phòng ban khác. Nếu bạn biết phòng marketing vừa có một chiến dịch quảng cáo thành công, hãy ghé qua chúc mừng.
Duy trì giới hạn
Có bạn bè ngoài bộ phận nhân sự cho phép bạn bắt “mạch” của tổ chức sâu sát hơn và có cái nhìn thấu đáo về những thứ nhân viên đang tận hưởng hay chịu đựng. Tuy nhiên bạn phải thiết lập giới hạn rõ ràng về tính bảo mật. Duy trì một khoảng cách nhất định là rất quan trọng cho vai trò của bạn.
Người làm nhân sự cần phải thành thật hết mức có thể mà không vượt giới hạn và tiết lộ những thứ không được phép cho những người không cùng phận sự. Hãy rạch ròi về những gì bạn không thể nói. Ví dụ, thảo luận về việc ra mắt một sản phẩm mới thì được, nhưng đề cập tới cuộc điều tra sai phạm đang được tiến hành bởi bộ phận HR là tuyệt đối không được.
Kết nối với đồng nghiệp trên mạng xã hội cũng có thể là nguy cơ. Nhiều nhân viên ngoài phòng nhân sự có thể sẽ cẩn thận với những gì họ đăng trên trang cá nhân nếu bạn nằm trong danh sách bạn bè của họ. Cách hay nhất là giữ an toàn và kết nối với đồng nghiệp trên Linkedin chứ không phải Facebook hay Instagram. Và dù rất tò mò muốn cập nhật tin tức hành lang đến đâu, bạn không nên loan tin đồn về đồng nghiệp hoặc nói sau lưng họ. Nếu bạn cần chỗ để “trút bầu tâm sự”, hãy tìm ai đó bên ngoài chỗ làm, ví dụ như vợ/chồng hoặc người yêu.
Tóm lại xây dựng được quan hệ tốt với đồng nghiệp có thể khiến bạn hạnh phúc trong công việc và trở thành một nhân viên hoàn thiện hơn chỉ cần bạn thực hiện những bước đi đúng cách.
Lược dịch theo SHRM