Một trong những xu hướng nhân sự mới, dự kiến càng phát triển mạnh mẽ trong năm 2024 chính là tập trung vào phúc lợi toàn diện cho nhân viên, bao gồm sức khỏe tinh thần, thể chất và xã hội – tài chính.
Bài viết thuộc chuỗi chia sẻ HR Trend Series do L & A cập nhật và biên soạn, với mục tiêu chia sẻ thông tin hữu ích về xu hướng ngành nhân sự tới Quý Độc giả.
Báo động về sức khỏe tinh thần
Trong thời kỳ hậu đại dịch và khủng hoảng kinh tế thế giới, vấn đề phúc lợi toàn diện càng nhận được nhiều sự quan tâm từ doanh nghiệp. Các tổ chức toàn cầu xác định rõ tác động của sức khỏe tinh thần đối với năng suất làm việc của nhân viên. Theo báo cáo từ Hội nghị thượng đỉnh về sức khỏe y tế toàn cầu, các vấn đề tinh thần như trầm cảm, lo âu, căng thẳng gây thiệt hại khoảng 12 tỷ ngày làm việc mỗi năm, làm giảm năng suất đến 1 nghìn tỷ USD. Các chuyên gia dự kiến con số thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu có thể lên tới 16 nghìn tỷ USD tính đến năm 2030.

Một số thống kê, nghiên cứu cho thấy sức khỏe tinh thần của nhân viên đang trong tình trạng báo động:
- Theo thống kê từ nền tảng trải nghiệm nhân sự Workvivo, tỷ lệ chuyên gia nhân sự bày tỏ việc cảm thấy kiệt sức trong 6 tháng cuối năm 2023 – đầu năm 2023 lên đến 98%.
- Thống kê của Harvard Business Review chỉ ra tỷ lệ nhân viên quyết định nghỉ việc do các vấn đề sức khỏe tinh thần tăng cao, trong đó có 68% là thế hệ Millennials và 80% là thế hệ Gen Z.
- Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ APA cũng khảo sát thấy tỷ lệ gần 3 trong số 6 nhân viên chia sẻ họ bị căng thẳng, tiêu cực sau đại dịch. Ngoài ra, 7 trong số 10 nhân viên bày tỏ lo ngại tiền lương không đáp ứng được nhu cầu do sức mua tăng và thị trường bị lạm phát.
- Khảo sát hơn 15000 nhân viên làm việc tại 15 quốc gia, Viện Y tế McKinsey cho biết có gần 4000 người xuất hiện dấu hiệu kiệt sức, mệt mỏi.
Xu hướng tập trung phát triển phúc lợi toàn diện cho nhân viên
Trước thực trạng đáng báo động trên, nhiều doanh nghiệp đã nhận ra tầm quan trọng của việc phát triển phúc lợi toàn diện và chịu trách nhiệm nhiều hơn với sức khỏe tinh thần của nhân viên. Academy to Innovate HR (AIHR) cho biết đây là xu hướng nhân sự phát triển mạnh mẽ trong năm nay và các năm tới. Rick Hammell (Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Atlas) nhận định các tổ chức sẽ ưu tiên việc gắn kết nhân sự trên phạm vi quốc tế, nhằm ngăn chặn tình trạng người lao động kiệt sức trong công việc, dẫn tới thay đổi nhân sự, ảnh hưởng tới hiệu quả làm việc của tổ chức.

Vào năm 2023 và trong tương lai, văn hóa doanh nghiệp cần ưu tiên phúc lợi toàn diện, bao gồm sức khỏe thể chất, tinh thần và cảm xúc, cũng như phúc lợi xã hội và tài chính. Các công ty nên ban hành, thực thi chính sách hỗ trợ và nâng cao phúc lợi toàn diện cho nhân viên của mình, thừa nhận rằng những nhân viên có tinh thần tích cực và sức khỏe tốt sẽ làm việc hiệu quả, đóng góp tốt hơn cho sức mạnh chung của tập thể. Xu hướng này sẽ được tích hợp vào tất cả các khía cạnh của văn hóa doanh nghiệp, từ chính sách nhân sự đến các giá trị cốt lõi và tuyên bố sứ mệnh của công ty.
Giải pháp cho HR và doanh nghiệp
Trước hết, để bắt kịp xu hướng này, bản thân người làm nhân sự phải vượt qua được thách thức về sức khỏe của mình. Bộ phận HR có thể chủ động đề xuất và triển khai các hạng mục sau tại doanh nghiệp:
- Chương trình tư vấn, quản lý căng thẳng tại nơi làm việc.
- Tiếp cận những nguồn lực và đào tạo về tài chính để giảm lo lắng như hội thảo lập ngân sách, quản lý tài chính, kế hoạch nghỉ hưu,…
- Đề xuất khóa đào tạo, hội thảo,… về trí tuệ cảm xúc, khả năng giao tiếp, tăng độ gắn kết và giảm xung đột tại doanh nghiệp.
- Đặt kỳ vọng hợp lý về thời gian, hiệu suất công việc, tạo điều kiện cho bản thân người HR và nhân viên có thời gian ngắt kết nối, “nạp năng lượng”.
- Cung cấp điều kiện cải thiện và kiểm tra sức khỏe thể chất.
Với người lao động và doanh nghiệp, các gói phúc lợi mang tính đường dài là lựa chọn tối ưu nhất trong tình trạng này. L & A mời Quý Độc giả tham khảo phổ phúc lợi tiêu biểu năm 2023 trên toàn Hoa Kỳ được thống kê tại báo cáo “Employee Benefits Survey 2023” của Hiệp hội Quản lý Nguồn nhân lực (SHRM).

Việc tăng cường phúc lợi toàn diện, gia tăng mức độ quan tâm dành cho nhân viên giúp doanh nghiệp tuyển dụng, thu hút và giữ chân nhân tài. Nhân viên cảm thấy hài lòng, thoải mái trong công việc cũng đem lại hiệu suất tốt hơn. Chính vì vậy, đây là xu hướng tất yếu mà mọi doanh nghiệp cần cân nhắc trong chiến lược quản trị nhân sự. Trong đó, bộ phận HR đóng vai trò vô cùng quan trọng.
>>> Xem thêm: