Blog nhân sự

Cô ấy thông minh nhưng thiếu trí tuệ cảm xúc

– Nguồn: SHRM
– ©Society for Human Resource Management 2020
– Bản dịch thuộc về Le & Associates

Sự kiên nhẫn, thấu cảm và thấu hiểu của người lãnh đạo sẽ giúp nhóm hoạt động hiệu quả cao

Người nhân viên mà bạn vừa tiến cử lên vị trí quản lý đã luôn nhanh nhẹn, hiệu quả, thông minh và sáng tạo.

Nhưng có vài phẩm chất cô ấy đã không thể đem theo trong vai trò mới: Cô trở nên thiếu kiên nhẫn với những người chậm hơn mình. Cô thất vọng với những nhân viên không hiệu quả như cô. Cô khó chịu với những nhân viên cần hướng dẫn về vấn đề gì đó.

Với tư cách là sếp của cô ấy, bạn có thể giúp gì để cô có được sự kiên nhẫn, thấu cảm và thấu hiểu – những kỹ năng không phải tự nhiên mà có được?

“Đây là một khách hàng điển hình trong quá trình coaching của tôi.” Geri Grossman, chủ tịch của My Executive Coach tại Buffalo, New York, cho biết: “Bước đầu tiên là thông báo cho người quản lý mới này về lượng “tài sản” mà cô ấy sở hữu và những đóng góp mà cô ấy mang lại cho tổ chức.”

Sau đó, thảo luận chân thành với cô ấy về việc phát triển trí tuệ cảm xúc — các chuyên gia tại nơi làm việc cho rằng đây là chìa khóa để trở thành một nhà quản lý thành công.

Khi mọi người chuyển sang làm công việc quản lý, họ “thường tiếp tục làm những gì đã làm trước đó, tức là cố gắng đạt kết quả bằng mọi giá”, Annie McKee, giảng viên cấp cao tại trường Cao học của Đại Học Pennsylvania về môn năng lực lãnh đạo và trí tuệ cảm xúc, cho biết. “Họ đã quá tập trung vào thành tích cá nhân đến mức rất khó để chuyển sang tập trung vào thành tích đội nhóm.”

“Chắc chắn cách đó sẽ thất bại với tư cách là một nhà quản lý,” đồng tác giả của cuốn sách Becoming a Resonant Leader (tạm dịch: Trở thành một nhà lãnh đạo cộng hưởng) (Harvard Business Review Press, 2008) nói. “Bởi vì là một nhà quản lý, bạn nhận được kết quả thông qua những nhân viên bạn quản lý. Điều này đòi hỏi rất nhiều trí tuệ cảm xúc.”

Trí tuệ cảm xúc là gì?

Đôi khi mọi người gọi trí tuệ cảm xúc là EQ, giống như cách chúng ta gọi trí thông minh là IQ.

Grossman định nghĩa EQ là “khả năng nhận thức, quản lý và thể hiện cảm xúc của chúng ta và có khả năng điều khiển cảm xúc của người khác.”

Cô nói: “Điều này liên quan đến mức độ nhận thức bản thân và sự thấu cảm cao. “Mức độ EQ của chúng ta bị ảnh hưởng bởi các giá trị của chúng ta, chẳng hạn như sự tôn trọng người khác, sự thấu cảm và lòng trắc ẩn. Đức tin, sự hòa nhập xã hội và nền giáo dục từ gia đình cũng ảnh hưởng đến mức độ trí tuệ cảm xúc của chúng ta.”

Phải chăng EQ mang tính sẵn có? Là thứ sinh ra đã có?

Một nghiên cứu mới cho thấy “Có mối liên hệ giữa di truyền và khả năng thấu cảm với người khác”, Grossman nói. “Sự thấu cảm là một kỹ năng EQ quan trọng và các nhà lãnh đạo có sự thấu cảm có thể chú ý đến một loạt các tín hiệu cảm xúc. Những nhà lãnh đạo như vậy chăm chú lắng nghe và có thể nắm bắt quan điểm của người khác. Sự thấu cảm tại nơi làm việc cho phép nhà quản lý hoặc nhà lãnh đạo hòa hợp với những người có nguồn gốc đa dạng và đến từ các nền văn hóa khác nhau.”

Tuy nhiên, các yếu tố môi trường tại nơi làm việc cũng đồng thời góp phần vào EQ.

Bà giải thích: “Các tổ chức có giá trị cốt lõi trong tầm nhìn và sứ mệnh doanh nghiệp có xu hướng tuyển dụng những người có EQ cao hơn. Các tổ chức này xây dựng văn hóa lãnh đạo dựa trên giá trị và văn hóa trách nhiệm giải trình. Họ đánh giá cao khả năng của người quản lý trong việc xây dựng các mối quan hệ tin cậy, phát triển những người khác, thấu cảm và thể hiện sự lạc quan và có thể tạo ra một môi trường nơi mọi người có thể làm hết sức mình. Có người từng nói: IQ sẽ giúp bạn có được công việc, nhưng EQ sẽ giúp bạn giữ được công việc.”

EQ có thể được đào tạo không?

Đối với các nhà quản lý mới, để phát triển EQ thì các điều kiện đào tạo phải phù hợp.

Cary Cherniss, giáo sư về tâm lý học tổ chức và là đồng chủ tịch của Hiệp hội Nghiên cứu về Trí tuệ cảm xúc trong tổ chức tại Đại học Rutgers, cho biết: “Các bài thuyết trình một lần là không đủ. Ngay cả một hội thảo kéo dài cả ngày hoặc một kỳ nghỉ cuối tuần thường là không đủ. Việc phát triển EQ đòi hỏi nỗ lực cao độ trong một khoảng thời gian dài.”

Cô nói, “Một người coach – cho dù từ nội bộ hay ở ngoài công ty- thường rất hữu ích.”

“Đó phải là một người mà nhà quản lý mới tin tưởng.” Cherniss nói, tác giả của cuốn sách Leading with Feeling: Nine Strategies of Emotionally Intelligent Leadership (tạm dịch: Lãnh đạo bằng cảm xúc: 9 chiến lược lãnh đạo bằng trí tuệ cảm xúc) (Nhà xuất bản Đại học Oxford, 2020) đã dẫn chứng ví dụ của một lãnh đạo xuất sắc hướng dẫn một đồng nghiệp thiếu EQ.

Huấn luyện viên nội bộ – Grossman cho biết: Người đó nên là “một nhà lãnh đạo có uy tín, đáng tin cậy và được tôn trọng … Người có các phẩm chất của sự thấu cảm, thấu hiểu và kiên nhẫn, thúc đẩy và thu hút người khác để đạt được đội nhóm có hiệu suất cao và gắn kết.”

Cherniss nói rằng bạn nên bắt đầu bằng một cuộc đánh giá. Người quản lý mới nhìn nhận bản thân và hoàn cảnh của cô ấy như thế nào? Và những người xung quanh nhìn cô ấy như thế nào? Đội ngũ phát triển tổ chức hoặc nhân sự của công ty thường có thể thực hiện các đánh giá nhằm cung cấp cho người quản lý mới những hiểu biết sâu sắc về thế mạnh quản lý của cô ấy cũng như những thách thức và hành vi có thể cản trở thành công của cô. Một số đánh giá cũng sẽ xác định các yếu tố tại nơi làm việc thúc đẩy và thu hút người quản lý mới.

“Cô ấy nên xem xét lại bản thân, học hỏi, thực hành và thử nghiệm các chiến lược và hành vi mới để phát triển công việc quản lý, tính hiệu quả và mức độ ảnh hưởng của cô ấy trong tổ chức,” Grossman nói.

Sau đó sẽ đến “một thời gian dài thử nghiệm, nhận góp ý và sửa chữa, dừng lại và đổi mới.”

McKee nói rằng quá trình này hiếm khi nhanh chóng và dễ dàng. “Tôi tin rằng mọi người có thể học trí tuệ cảm xúc, nhưng chỉ khi họ muốn và chỉ khi họ tập trung và nỗ lực. Đó là bởi vì những người tự nhận thức, thấu cảm và có cái nhìn tích cực đã phát triển những kỹ năng này kể từ khi còn bé. Vì vậy, nếu chúng ta muốn thay đổi cách chúng ta đọc vị con người, chúng ta phải thay đổi cách suy nghĩ của mình.”

Dana Wilkie

Facebook
LinkedIn
Email
Print

Quý khách cần liên hệ tư vấn ?

Vui lòng liên hệ qua biểu mẫu trực tuyến, gọi điện cho chúng tôi qua email: cs@l-a.com.vn hoặc sđt: 0902 989 578
Để chấp thuận bảo mật thông tin theo Chính Sách Bảo Vệ và Xử Lý Dữ Liệu Cá Nhân và tiếp tục truy cập vào trang web của L & A, Quý khách vui lòng nhấn nút “Đồng ý”.