Blog nhân sự

Chức vụ tạo ra lãnh đạo hay ngược lại?

Nhan Húc Quân, TGĐ Công ty TNHH Bao bì giấy nhôm New Toyo Việt Nam

Mỗi khi vô tình nghe được những lời nói mang tính chỉ trích người vắng mặt – dù người đó là thuộc cấp, đồng cấp, cấp trên hay thành viên thuộc những phòng ban chức năng khác – đều khiến tôi phải suy nghĩ về thái độ, năng lực và phẩm cách người “xướng ngôn” cũng như người được nhắc đến.

Những câu nói kiểu như “Có nó cũng như không” hoặc “Ôi, chẳng qua nó chỉ đến để làm kiểng mà thôi!” làm cho tôi liên tưởng đến nguyên tắc ảnh hưởng trong quyển sách 21 nguyên tắc vàng của nghệ thuật lãnh đạo mà Tiến sĩ John. C Maxwell – bậc thầy về nghệ thuật lãnh đạo trên thế giới đã đưa ra: “Thước đo thật sự của vai trò lãnh đạo chính là tầm ảnh hưởng”.

Đa phần con người ta thường phải trải qua một quá trình học tập, rèn luyện, phấn đấu và lăn xả với công việc thực tiễn để cho ra những kết quả nhất định nào đó thì mới được cất nhắc, đề bạt vào trị trí quản lý hay lãnh đạo trong tổ chức. Chỉ một số ít người có năng lực vượt trội, phẩm cách tốt, hoặc có “mối quan hệ đặc biệt” mới rút ngắn được quá trình đi lên từ vị trí cơ sở đến quản lý.

Những người mới nhận vị trí quản lý để lãnh đạo người khác thường được chấp nhận một cách miễn cưỡng trong thời gian đầu (Lãnh đạo cấp độ 1 – Mọi người đi theo bạn vì họ phải theo). Thông thường, tính đố kỵ, tị nạnh và hoài nghi về năng lực người khác sẽ trỗi dậy khi một ai đó “vượt mặt mình”. Bởi vậy, nếu có cùng vạch xuất phát với các cấp dưới, người quản lý mới lại càng chịu nhiều áp lực. Thế mới nói, được đặt vào vị trí lãnh đạo vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức. Nghĩa là khi được đặt vào bất kỳ vị trí quản lý nào, bạn cần chứng minh mình xứng đáng, về cả năng lực và phẩm cách, bạn phải có cách quản lí hiệu quả để nhân viên làm theo. Vị trí càng cao, kỳ vọng của “khán giả” – những người theo mình và những người mình cần tương tác – càng nhiều.

Làm sao để thích nghi và làm chủ hoàn cảnh khi mà năng lực lãnh đạo, cách quản lí không phải là thứ có sẵn và tồn tại vĩnh viễn mà cần có quá trình phát triển? Làm cách nào để đẩy lùi hoặc hóa giải những lời nhận định không mang tính xây dựng? Làm thế nào để người khác tự nguyện theo mình (Lãnh đạo cấp độ 2 – Sự chấp thuận)?

Đôi khi, những người được đặt ở vai quản lý cấp trung bị rơi vào cái bẫy tâm lý mang tên có quyền nhưng bất lực. Khi được cất nhắc, họ cảm thấy như có tất cả quyền lực trong tay nhưng lại không được thể hiện quyền. Đó là chính bản thân họ chưa chứng tỏ được bản lĩnh để ra quyết định đúng. Trên thực tế, công việc càng ít quen thuộc thì sự căng thẳng sẽ càng lớn. Chỉ khi nào chúng ta thật sự nắm chắc và làm tốt công việc của mình, đồng thời giúp người khác hoàn thành công việc của họ (Lãnh đạo cấp độ 3 – mọi người đi theo bạn vì những gì bạn đã làm cho tổ chức) thì sự căng thẳng của việc “không có thực quyền” mới được giải phóng.

Năng lực phát triển người khác thông qua công tác đào tạo, huấn luyện, tham vấn để người khác trưởng thành hơn về mặt tư duy, năng lực cũng như để thấy được giá trị bản thân họ (Lãnh đạo cấp độ 4 – mọi người đi theo bạn vì những gì bạn đã làm cho họ) cần sự dấn thân và một khoảng thời gian nhất định để hiểu được và áp dụng song hành kỹ năng và nghệ thuật lãnh đạo, cách quản lí cùng lúc.

Khát khao đổi mới hoạt động, cải tiến chất lượng sản phẩm và dịch vụ, sáng tạo trong chiến lược và chủ động tìm tòi phương thức hiệu quả nhất để hoạch định công tác quản trị nguồn lực là những đặc trưng cần phải có với những ai đã bén duyên hoặc đã nhận lấy trách nhiệm lãnh đạo người khác (Lãnh đạo cấp độ 5 – mọi người đi theo bạn vì con người bạn và điều bạn đại diện). Để trở thành một lãnh đạo giỏi bắt buộc phải gắn với một quá trình tự thân học tập và rèn luyện, không ngừng nghỉ phấn đấu một cách có định hướng và có kỷ luật.

Xem thêm Bí quyết xây dựng hệ thống quản trị nhân lực bài bản

Thực tế cho thấy, ngoài năng lực, thái độ và cách ứng xử cũng là nhân tố quan trọng sẽ tác động và quyết định một người có đảm đương được vai trò lãnh đạo để dẫn dắt những người khác và đủ kiên trì để phát triển sự nghiệp của bản thân đến tận cùng hay không.

Thiết nghĩ, trong việc này không có ngoại lực mà tự bản thân mỗi người phải tìm ra cách làm chủ bản thân. Hãy nghĩ về những cơ hội mới trong tương lai, dành thời gian và tâm trí nâng cao năng lực chuyên môn song song với phát triển bản thân, cải thiện cách quản lí công việc thay vì cứ bận tâm với những lời chỉ trích rơi vãi ở đâu đó để rồi sa đà vào những suy nghĩ tiêu cực dẫn đến tự tước bỏ cơ hội phát triển bản thân và sự nghiệp tại nơi mà mình đã và đang nhận được những sự nâng đỡ, cảm thông và dìu dắt.

Cho dù người lãnh đạo có tài giỏi cách mấy nhưng nếu không có sự ủng hộ và trợ giúp của những người xung quanh, sự hỗ trợ tác nghiệp của hệ thống thì mọi ý tưởng hay khát vọng lớn lao đều chỉ nằm trên bàn giấy.

– Nhan Húc Quân –

Facebook
LinkedIn
Email
Print

Quý khách cần liên hệ tư vấn ?

Vui lòng liên hệ qua biểu mẫu trực tuyến, gọi điện cho chúng tôi qua email: cs@l-a.com.vn hoặc sđt: 0902 989 578
Để chấp thuận bảo mật thông tin theo Chính Sách Bảo Vệ và Xử Lý Dữ Liệu Cá Nhân và tiếp tục truy cập vào trang web của L & A, Quý khách vui lòng nhấn nút “Đồng ý”.